Dịch vụ làm giấy phép môi trường

Đề xuất giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước

[Hồ Sơ Môi Trường] Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới. Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật này, nhiều đại biểu đã đưa ra quan điểm, đề xuất giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước, phòng chống bị ô nhiễm để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của Nhân dân hiệu quả hơn.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua vào Kỳ họp thứ 6 năm 2023. Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của các chuyên gia là vấn đề đảm bảo chất lượng nguồn nước để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của Nhân dân.

Dưới áp lực của sự gia tăng dân số, phát triển công nghiệp, đô thị hóa, nhu cầu sản xuất lương thực và thực phẩm, thu hẹp diện tích đất đai và diện tích rừng đầu nguồn khiến tài nguyên nước đang được khai thác triệt để khiến việc suy thoái chất lượng nước là khó kiểm soát và ngăn chận hiệu quả. Nhiều dòng sông đang bị ô nhiễm nặng nề, chất lượng nước ngày càng xấu đi do mang nhiều độc chất từ các chất thải kim loại nặng, chất thải hữu cơ và vô cơ từ sinh hoạt, các dư lượng hóa dược nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Rừng bị hủy hoại do khai thác trái phép, làm thủy điện… sẽ khiến cho việc điều tiết nguồn nước trong mùa khô vô cùng hạn chế. Nguồn nước dưới đất cũng bị tụt giảm, nhiều nơi bị nhiễm mặn, nhiễm asenic hoặc bị thông tầng khiến các chất ô nhiễm trên mặt đất thấm xuống các vĩa nước ngầm.

đề xuất giải pháp nhằm đảm bảo tài nguyên nước
Phun rửa bể lọc tại Nhà máy nước Diễn Vọng, thành phố Cẩm Phả (Ảnh: Công ty cổ phần nước sạch Quảng Ninh cung cấp).

Nhiều khu công nghiệp, khu dân cư, bệnh viện không có hệ thống xử lý nước hiệu quả và tất cả đổ vào các kênh mương, sông rạch lộ thiên và hệ thống cống rãnh công cộng khiến thủy vực bị ô nhiễm vượt gấp hàng trăm thậm chí hàng chục ngàn mức cho phép của Tiêu chuẩn Quốc gia. Ngoài ra, các công trình không xem xét thận trọng về mặt môi trường khiến cho chất lượng nước có nguy cơ xấu hơn hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực cho những vùng lân cận.

Đề cập về vấn đề trên, TS.Lê Anh Tuấn – Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng, nhu cầu sử dụng nước dân dụng và công nghiệp ngày càng cao. Do nhu cầu gia tăng sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống, nhu cầu nước trên toàn quốc gia tăng nhanh chóng. Nếu năm 1990, nhu cầu nước cho dân dụng và công nghiệp ở Việt Nam chỉ khoảng 50 tỷ m3/năm thì đến năm 2000, số liệu này là 65 tỷ m3/năm, năm 2010 đã nhảy lên 72 tỷ m3/năm.

Đề xuất giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước
TS.Lê Anh Tuấn – Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ).

Dự báo nhu cầu nước đến năm 2020 sẽ là 80 tỷ m3/năm, năm 2030 sẽ là 87 – 90 tỷ m3/năm. Khối lượng này bằng khoảng 11% tổng tài nguyên nước, hoặc 29% tài nguyên nước nội địa hình thành trên lãnh thổ quốc gia. Tổng lượng nước cần cho nền kinh tế quốc dân của Việt Nam đến năm 2020 dự đoán lên đến khoảng 510 – 520 tỷ m3/năm. Nhu cầu nước gia tăng trong tình hình số lượng và chất lượng ngày càng suy giảm là một thử thách lớn cho an ninh nguồn nước ở Việt Nam.

Một trong những cảnh báo về nguy cơ đe dọa an ninh nguồn nước là do tác động bởi sự vận hành các công trình thủy điện ở phía ngoài lãnh thổ Việt Nam và cả trong các dòng sông nội địa lên sự phân bố số lượng nước và làm thay đôi chất lượng nước. Sự hình thành hồ chứa để phát điện làm giảm hàng trăm ha rừng khiến vai trò điều tiết nước của rừng bị giảm. Nhiều công trình thủy điện xây dựng chỉ với mục tiêu phát điện mà không có dung tích phòng lũ đã là nguyên nhân khiến lũ lụt ở hạ lưu thêm trầm trọng. Một số công trình thủy điện đã dẫn nước qua các tuyến dòng chảy khác khiến hạ lựu dòng sông ban đầu trở nên khô hạn, ảnh hưởng xấu đến việc lấy nước cho sinh hoạt và canh tác của người dân ở hạ nguồn, nguồn nước ít ỏi của họ rất dễ bị ô nhiễm do không đủ mạnh đê đây các độc chất đi. Nước chảy qua nhà máy thủy điện có thể bị chua hơn do sự phân hủy các xác bã thực vật chết trong lòng hồ, vùng hạ lưu dòng chảy khi thiếu nước trong mùa khô sẽ tạo điều kiện cho sự xâm nhập mặn dễ dàng hơn.

 

Theo TS.Lê Anh Tuấn, điều quan trọng nhất trong chiến lược bảo vệ tài nguyên nước nói chung và lưu vực sông nói riêng là phải có sự tham gia của cộng đồng như là những chủ nhân đích thực của nguồn tài nguyên quý giá này. Mặc dù Luật Tài nguyên nước và các văn bản pháp lý khác có khẳng định vai trò của Uỷ ban Lưu vực sông. Tuy nhiên, sự tham gia của các thành phần khác nhau, cơ chế cho người dân giám sát và sử dụng tài nguyên nước vẫn chưa rõ ràng. Các hành vi làm tổn hại nguồn nước cần phải được tiếp tục bị chế tài bằng công cụ luật pháp và tòa án. Việc khôi phục, trồng và bảo vệ nguồn rừng đầu nguồn và hai bên bờ sông cần phải đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ hơn. Vấn đề đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu có nhiều mối quan hệ tương quan khá phức tạp.

Đề xuất hoạt động chính cho việc quản lý nguồn nước ở Việt Nam, TS.Lê Anh Tuấn cho rằng, các cấp từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng giải pháp quản lý tài nguyên nước thông qua việc đổi mới theo hướng tổng hợp phối với kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu qua việc đầu tư kinh phí, hợp tác với các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật, các tổ chức chính phủ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ để cùng nhau chung tay xây dựng và triến khai các hoạt động cụ thể. Trong đó, cần có quy định các tiêu chuẩn của phát triển xanh, điều này không phải đơn thuần chỉ là một khẩu hiệu mà phải có những hoạt động và hành động thiết thực, trong đó phải có những giải pháp khoa học trong quản lý tổng hợp lưu vực sông với sự tham gia của cộng đồng người và các tổ chức xã hội dân sự. Đây phải là một chủ trương nhất quán và mục tiêu tổng quát trong mọi kế hoạch chiến lược, quy hoạch phát triên và các dự án tăng trưởng kinh tê – xã hội. Bảo vệ sự trong lành của các dòng sông không chỉ là nhiệm vụ của chính mỗi người dân mà còn là trách nhiệm công dân cho thế hệ tương lai của đất nước.

Phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông

Nhằm bảo vệ nguồn nước trước nguy cơ bị cạn kiệt và suy thoái về chất lượng, GS.TS Lê Hồng Hạnh – Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ – Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, Điều 72 Luật Tài nguyên nước năm 2012 quy định về các hoạt động trên lưu vực sông cần được điều phối, giám sát. Trong đó có các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường nước lưu vực sông, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông.

Đề xuất giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước
GS.TS Lê Hồng Hạnh – Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ – Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Luật Tài nguyên nước cũng quy định về hoạt động xả nước thải có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng chất lượng nguồn nước lưu vực sông; khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông. Các hoạt động sử dụng đất, khai thác khoáng sản, bảo vệ và phát triển rừng trên lưu vực sông. Trách nhiệm thực hiện các quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với hai lĩnh vực này đều gắn với việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông. Tuy nhiên, các quy định chưa gắn với đối tượng cụ thể cần điều chỉnh nên khó phân biệt đâu là hoạt động quản lý tài nguyên nước, đâu là hoạt động bảo vệ môi trường nước. Trong trường hợp xảy ra các sự cố đối với nguồn nước thì khó xác định đâu là phạm vi điều chỉnh của pháp luật tài nguyên nước và đâu là pháp luật bảo vệ môi trường nước.

Các quy định của hai lĩnh vực pháp luật này về đầu tư dự án xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước hoặc có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước có ảnh hưởng lớn đến sản xuất cũng chồng lên nhau ở các quy định về công khai, minh bạch, lấy ý kiến nhân dân. Các quy định về tài nguyên nước ở các lưu vực sông cũng có những sự chồng lấn với các quy định bảo vệ môi trường lưu vực sông.

Việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước chưa được đảm bảo bởi các quy định pháp luật có khả năng tích hợp các khía cạnh bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên nước, cân bằng lợi ích của các bên liên quan, quy hoạch. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, song chưa được cấp phép. Hầu như việc khoan nước ngầm chưa được quản lý do thiếu nền tảng pháp lý cần thiết.

Với những ý kiến, đề xuất như trên, các chuyên gia kỳ vọng dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần đầu tiên được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới sẽ được Quốc hội xem xét một cách có hệ thống khoa học và bài bản trên tinh thần xây dựng để góp phần giải quyết những bất cập hiện nay đối với việc bảo đảm an ninh, chất lượng nguồn nước phục để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của Nhân dân được hiệu quả hơn.

Nguồn tin: quochoi.vn

Lưu ý: Các thông tin, chủ đề chúng tôi cung cấp chỉ có giá trị tham khảo. Trong quá trình áp dụng các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường: quý bạn đọc cần tra cứu - cập nhật hiệu lực pháp luật hiện hành của từng điều luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để áp dụng cho đúng!